Trang trại thỏ của Vũ là một trong những mô hình khởi nghiệp ở xã Phổ Thạnh – Ảnh: TRẦN MAI |
Chúng tôi đang kỳ vọng sẽ có nhiều người trẻ trở về quê bởi sức hút của những mô hình kinh tế. Hiện tại chúng tôi đang có khoảng 10 mô hình khởi nghiệp. Thời gian tới anh em sẽ xây dựng một xã khởi nghiệp quy mô hơn nữa |
Anh ĐỖ QUANG NGHỊ (bí thư Xã đoàn Phổ Thạnh) |
26 tuổi, như bao thanh niên xã biển này, Tấn Vũ cùng cha ra khơi. Hai năm trên biển cả, cộng thêm khoảng thời gian nhập ngũ đã tôi rèn cho Vũ tinh thần cần mẫn, vươn lên trong gian khó.
Mạnh dạn khởi nghiệp
“Mình nghĩ đơn giản là tự làm chủ bản thân thì mới có thể làm giàu và giúp người khác được” – Vũ tâm sự.
Thế rồi Vũ lên mạng tìm hiểu những mô hình của thanh niên cả nước và nhận thấy mô hình nuôi thỏ cho kinh tế khá hơn.
Tích cóp được ít vốn làm thuê, Vũ xin cha mẹ một mảnh đất làm mặt bằng rồi mua thỏ giống về nuôi.
Vừa làm vừa học, chàng trai trẻ rong ruổi nhiều nơi tìm hiểu cách nuôi để thêm kiến thức và kinh nghiệm. Sau một năm khởi nghiệp Vũ bán gần 1.000 con thỏ thương phẩm, trừ chi phí lãi hơn 70 triệu đồng.
Không chỉ Vũ thành công với mô hình khởi nghiệp nhờ nuôi thỏ, ở xã Phổ Thạnh còn rất nhiều bạn trẻ cũng bắt đầu chọn lựa các mô hình khởi nghiệp cho mình.
Trần Văn Hoàng (28 tuổi) ở thôn Thạch By 1 đã “làm mới” cuộc sống bằng mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm. Hơn ba năm qua, đàn chim bồ câu của Hoàng đã lên đến hơn 1.000 con, giúp thu nhập của gia đình ổn định. Hoàng nói vui mỗi con chim bồ câu thương phẩm bán ra bằng cả tạ muối của người dân Sa Huỳnh.
“Mình đã nghĩ rất nhiều phương án để làm giàu tại quê nhà. Với mình, khởi nghiệp phải phù hợp cả vốn và diện tích đang có nên mình chọn nuôi bồ câu. Nói thật nếu không mạnh dạn khởi nghiệp thì giờ có lẽ cũng tha phương như bạn bè rồi” – Hoàng chia sẻ.
Võ Trọng, thôn Long Thạnh 1 và Nguyễn Hải Phi, thôn Long Thạnh 2 đã chung ý tưởng khởi nghiệp khi cùng chọn mở trang trại nuôi bò, dê để tận dụng vùng đất rộng lớn quê mình. Hai năm sau, đôi bạn đã có trong tay hàng trăm con bò, dê. Dù giá bò hiện tại giảm hơn nhiều so với thời điểm khởi nghiệp nhưng cả hai vẫn có những tính toán hợp lý để không giảm thu nhập.
Trọng nói: “Khởi nghiệp phải kiên nhẫn bởi thời gian đầu khó khăn lắm. Ở Phổ Thạnh, anh em thường trò chuyện, động viên nhau vượt qua khó khăn”.
Kéo anh em về quê
Ở xã biển này, chuyện thanh niên khởi nghiệp như Vũ không hiếm. Cũng như những người trẻ ở đây, Nguyễn Phi Hải (thôn Long Thạnh 2) từng nhiều lần trăn trở khi nhìn cánh đồng muối bao la quê mình. Muối quá rẻ, chỉ 500 đồng/kg.
Gia đình Hải cũng đã bám lấy đồng muối này và chưa bao giờ thoát khỏi cảnh khốn khó. Bạn bè cùng trang lứa “rời làng mà đi” khiến bạn không khỏi xót xa.
“Chẳng ai muốn rời quê, nhưng ở đây thì biết làm gì mà sống. Mình nghĩ bản thân phải khởi đầu để thu hút anh em trở về” – Hải nói.
Và bạn chọn chim bồ câu Pháp cho hành trình khởi đầu của mình. Các mô hình khởi nghiệp đã trở thành nơi gắn kết những người trẻ trở về quê nhà sau thời gian tha hương.
Bí thư Xã đoàn Phổ Thạnh Đỗ Quang Nghị nói rằng những năm trước, thanh niên nào chịu được sóng gió thì đi biển, còn lại phần lớn rời quê.
Chỉ có dịp tết mới tập hợp lại đông đủ. Từng câu chuyện xa xứ được kể, buộc xã đoàn phải hành động.
“Phải có người tiên phong, dám nghĩ dám làm mới mong thay đổi được quê hương. Anh em đang gầy dựng các mô hình kinh tế mới, hiệu quả, giúp các bạn trẻ xã Phổ Thạnh trở về, tìm hiểu để đầu tư khởi nghiệp” – Nghị nói.
Theo Nghị, quyết định khởi nghiệp đã được thanh niên trong xã ngồi lại bàn bạc. Và hơn hết là quyết tâm của từng cá nhân, mỗi người tự tìm cho mình một lối đi riêng.
Có những ý tưởng trùng nhau nhưng cách thức thực hiện khác nhau, không ai cạnh tranh ai mà mỗi người phải tự tìm nguồn cung ứng sản phẩm và tiếp cận thị trường để bán sản phẩm của mình.
“Bằng nỗ lực không ngại khó, sự nhạy bén, nhanh nhẹn, cộng với chất lượng của sản phẩm, dần dần đầu ra của các mô hình chăn nuôi đã tìm được thị trường” – bí thư Nghị chia sẻ thêm.