Tham dự ngày hội đinh hướng và cơ hội việc làm ngành Chăn nuôi – Thú y, Trường ĐH Nông lâm – ĐH Huế, chúng tôi thấy được sức nóng từ phía nhà trường cùng doanh nghiệp. Chương trình được chia làm hai ngày; ngày đầu lãnh đạo doanh nghiệp giới thiệu, tư vấn, trao đổi với sinh viên và ngày còn lại để họ phỏng vấn, tuyển chọn những người học phù hợp để đào tạo và định hướng công việc. Cả hai ngày thu hút lượng sinh viên lên đến 1.500 người.
Sinh viên viết hồ sơ đăng ký phỏng vấn tại ngày hội định hướng và cơ hội việc làm
Hiện nay, nhà trường và doanh nghiệp đều chủ động tìm kiếm và mang lại cơ hội việc làm cho sinh viên. Tại Trường ĐH Nông lâm, để tổ chức chương trình này, Khoa Chăn nuôi Thú y và trường bỏ ra thời gian khá dài để liên lạc, kết nối nhiều doanh nghiệp. Ngoài những mối quan hệ thân quen với doanh nghiệp, các trường kết nối tốt với lực lượng cựu sinh viên – những người đã thành đạt. PGS. TS Lê Văn An, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm khẳng định, mối quan hệ với cựu sinh viên là cơ hội tốt để tạo mạng lưới giúp đỡ lớp sinh viên kế cận tìm việc làm. Họ trưởng thành từ chính môi trường học tập của nhà trường sẽ quay về góp ý những cái được và chưa được nhằm giúp nhà trường điều chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp.
Doanh nghiệp cũng thể hiện tính chủ động. Những năm gần đây, mỗi lần có ngày hội định hướng và cơ hội việc làm, họ đều chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ tài liệu, trình chiếu power point, đến các clip liên quan nhằm mang đến cho sinh viên cái nhìn toàn diện về ngành học, những kỹ năng cần và đủ sau khi ra trường; điểm mạnh và yếu của sinh viên từng ngành, khoa. Sự chủ động từ hai phía nhà trường và doanh nghiệp tạo ra một diễn đàn học tập và định hướng việc làm cho sinh viên.
Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Gia công Công ty TNHH Emivest Việt Nam đánh giá, xu hướng việc làm ngày nay khá khó khăn, do vậy đào tạo phải gắn liền với thực tế nhu cầu việc làm. Trong bối cảnh hiện nay, sự chủ động kết nối từ phía nhà trường và doanh nghiệp là điều cần thiết. Trong các ngày hội việc làm, doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò là đơn vị tuyển dụng, mà còn là người góp ý về chương trình đào tạo, thế mạnh và điểm yếu của sinh viên, từ đó phối hợp nhà trường giảng dạy những thế hệ sinh viên ra trường đáp ứng được thị trường lao động khó tính.
Hiệu quả
Võ Hoài Linh, tân sinh viên Trường ĐH Nông lâm chia sẻ, mới bước chân vào giảng đường ĐH, nghe có chương trình ngày hội việc làm, em rất thích. Ngày hội định hướng việc làm như “tấm bản đồ” chỉ đường cho sinh viên năm nhất biết những gì cần thiết cho mình để tập trung học tập. “Họ là những người lãnh đạo của các doanh nghiệp, sức thuyết phục từ những ý kiến của họ rất cao”, Hoài Linh nhận định.
Hiện nay, cách làm này được các trường triển khai khá tốt. Điển hình như Trường ĐH Khoa học, ở một số ngành, sinh viên năm 4 được học theo chương trình phối hợp của nhà trường và doanh nghiệp, đáp ứng công việc thực tế của các đơn vị tuyển dụng. Lẽ dĩ nhiên, những sinh viên tham gia chương trình này sẽ được nhận vào làm việc sau khi kết thúc quá trình học tập tại trường.
Ngoài những sinh viên đã tốt nghiệp, các sinh viên đang còn ngồi ghế nhà trường vẫn có thể thực tập, thậm chí đi làm có hỗ trợ lương. Cụ thể như Trường ĐH Nông lâm tận dụng mối liên kết tốt với doanh nghiệp để đẩy mạnh thực hành cho sinh viên. Ngoài thực hành ở trường, các khoa xây dựng chương trình thực tập sớm, xuyên suốt 4 năm học cho sinh viên, trong đó năm 1 là giai đoạn tiếp cận nghề, năm 2 là đến doanh nghiệp làm để biết, năm 3 thao tác nghề tại các doanh nghiệp và năm cuối là thực tập tốt nghiệp. Nhờ cọ xát liên tục, sinh viên có cơ hội thực nghiệm ngay lý thuyết. Điều này mang lại cho các em tính chủ động và tiếp cận nhanh với thực tế môi trường công việc.
Ths. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nông lâm chia sẻ, thống kê sơ bộ, sau một năm tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm năm vừa qua khoảng 70–75%, trong đó có 90% sinh viên làm đúng ngành nghề được học. Một số ngành có doanh nghiệp đến ký kết đưa sinh viên đi Nhật Bản học tập, đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp. Đặc biệt, hầu như 100% sinh viên các ngành, như: chăn nuôi – thú y, nuôi trồng thủy sản, khuyến nông luôn có việc làm sau khi ra trường. Cũng theo ông May, mặt bằng chung của nhiều kỹ sư tốt nghiệp tại trường được hưởng mức lương 9 triệu đồng/tháng; có trường hợp, nhận mức lương 15/triệu đồng/tháng, xu hướng làm việc tại các tỉnh miền Trung ngày càng tăng.
Với những trường ĐH không đào tạo sinh viên các ngành kinh tế, việc kết nối các doanh nghiệp vẫn mang lại hiệu quả. TS. Lê Anh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm cho rằng, dù đặc trưng là đào tạo giáo viên ra giảng dạy nhưng để giải quyết đầu ra việc làm cho sinh viên, nhà trường cũng tìm các trường ngoài công lập, một số trung tâm giáo dục với tư cách như cách doanh nghiệp hướng đến phát triển giáo dục để sinh viên có cơ hội lựa chọn việc làm.